Nước Anh mong muốn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tăng cường hơn nữa giữa Vương quốc Anh và các nước thành viên của hiệp định, trong đó có Việt Nam.

Anh mong muốn gia nhập hiệp định CPTPP
Theo thông tin từ Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, ngày 10/09, Bộ trưởng Thương mại
Quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss cùng Chủ tịch đương nhiệm của Ủy ban CPTPP, Bộ
trưởng Kinh tế Mexico Graciela Márquez đã phát biểu mở đầu phiên thảo luận giữa
Vương quốc Anh và Trưởng đoàn đàm phán từ tất cả 11 quốc gia thành viên của
Hiệp định CPTPP.
Vào ngày 17/6/2020, Bộ Thương mại Quốc tế Anh đã công bố văn bản chính thức về
việc Vương quốc Anh muốn gia nhập CPTPP, trong đó nêu rõ lý do kinh tế và chiến
lược cấp cao nhằm giải thích lý do Chính phủ Vương quốc Anh muốn tham gia hiệp
định thương mại khu vực này và đề ra các bước thực hiện tiếp theo đối với việc
gia nhập CPTPP.
Kể từ khi Hiệp định được thành lập vào năm 2018, đây là lần đầu tiên Anh có
cuộc trao đổi với tất cả các nước thành viên của CPTPP nhằm thảo luận về việc
gia nhập thoả thuận này. Kể từ năm 2009, thương mại giữa Vương quốc Anh và các
nước CPTPP đã tăng trưởng trung bình 6% mỗi năm và trị giá hơn 112 tỷ bảng Anh
vào năm 2019.
Phát biểu về cuộc thảo luận, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh, Liz Truss chia
sẻ: “Cuộc họp hôm nay đưa ra một tín hiệu về tầm quan trọng của CPTPP đối với
Vương quốc Anh và nhấn mạnh trọng tâm của chúng tôi trong việc tăng cường
thương mại với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cải thiện thương mại toàn cầu
là điều thiết yếu để phục hồi kinh tế khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đa
dạng hóa các liên kết thương mại sẽ làm tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung
ứng toàn cầu, đảm bảo an ninh của nền kinh tế thế giới trong tương lai.”
Thương mại giữa Vương quốc Anh và các nước CPTPP đã tăng trưởng về danh nghĩa
gần 80% trong thập kỷ qua (2009-2019). Các công ty của Vương quốc Anh đã nắm
giữ khoản đầu tư trị giá gần 98 tỷ bảng Anh với các nước CPTPP vào năm 2018 và
con số này là hơn 112 tỷ Bảng với các nước trong khu vực vào năm 2019.
Một số sản phẩm của Vương quốc Anh mà các nước thành viên CPTPP có nhu cầu cao
nhất bao gồm đồ uống, ô tô, máy phát điện, dược phẩm và máy bay với tổng kim
ngạch xuất khẩu hơn 13 tỷ bảng Anh trong năm 2019.
Tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư song phương Việt – Anh
Theo Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward, các nền kinh tế trong CPTPP chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu, con số này sẽ tăng lên 16% nếu Anh tham gia. Vương quốc Anh dự định tham gia quan hệ đối tác này nhằm thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu, thương mại và đầu tư của Vương quốc Anh tới các thị trường sôi động như Việt Nam.
Anh
hiện là nhà đầu tư lớn thứ 15 của Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 3,7 tỷ bảng
Anh và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 13 tại Việt Nam năm 2019. Theo công bố gần đây
của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh, tổng thương mại song phương cả hàng hóa và
dịch vụ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh là 5,75 tỷ bảng Anh tính đến cuối quý I
năm 2020.
Trả lời câu hỏi của phóng viên TBTCO về riêng cơ hội của Việt Nam trong hợp tác
kinh tế với Vương quốc Anh so với các nước trong khu vực ASEAN, Đại sứ Gareth
Ward cho biết, trước đây, nhiều doanh nghiệp Anh quốc đã hợp tác, đầu tư tại
Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Hiện nay, các doanh nghiệp Anh ngày càng nhận thấy tiềm năng phát triển nhanh
chóng tại khu vực này, trong đó Việt Nam và Indonesia là những nước có nền kinh
tế phát triển nhanh chóng và còn rất nhiều tiềm năng. Ngày càng có nhiều doanh
nghiệp Anh quốc đến Việt Nam, mong muốn hợp tác trong một số lĩnh vực như thiết
kế, sản xuất phần mềm.
Theo Đại sứ Anh, có thể nhận thấy những tín hiệu rất tích cực trong giao thương
giữa hai nước. Giữa hai nước hiện có Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh
châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Hiện nay, hai nước đang đàm phán Hiệp định Thương
mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh, để đến hết năm 2020 khi EVFTA chấm dứt
hiệu lực với Anh quốc (do Anh rời EU), hiệp định mới này sẽ có hiệu lực, tránh
đứt quãng giao thương.
Chia sẻ quan điểm về việc Anh muốn gia nhập CPTPP, Đại sứ Gareth Ward nhấn
mạnh: “Bên cạnh việc chia sẻ mục tiêu chung là Hiệp định thương mại tự do song
phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, Anh cũng đang theo đuổi việc gia nhập
CPTPP. Điều này sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư song
phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh cũng như thúc đẩy hợp tác giữa hai chính
phủ, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, công
nghệ và chăm sóc sức khỏe”.
CPTPP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương bao gồm 11 quốc gia thành viên: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam. |
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply